Ý nghĩa của việc kiểm tra chất lượng bao bì nhựa, liệu chúng có thực sự cần thiết?
Các nhà máy chế biến thực phẩm, các xưởng sản xuất công nghiệp, hay bất kỳ một đơn vị nào liên quan đến ứng dụng đóng gói đều cần tới các loại bao bì có chức năng hoạt động tốt. Nhưng có một vấn đề nảy sinh là làm thế nào để kiểm tra chất lượng bao bì, và bao bì tốt đến mức nào là đủ để không làm tăng cao chi phí.
Có một số lượng rất lớn các nhà sản xuất cung cấp những chiếc túi nhựa trên thị trường, và tất cả họ đều xác nhận với khách hàng rằng họ chỉ cung cấp mặt hàng tốt nhất. Nhưng có một sự thật hiển nhiên, không phải tất cả các nhà máy sản xuất túi nhựa đều có chất lượng sản phẩm giống nhau. Có sự khác biệt rất lớn về trang thiết bị, nguyên liệu và kinh nghiệm sản xuất có thể dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về chất lượng sản phẩm của họ. Việc kiểm tra một vài thông số kỹ thuật của mặt hàng bao bì nhựa mà bạn mua trước khi thanh toán lần cuối cho nhà cung cấp sẽ bảo vệ bạn khỏi các giao dịch sai lầm và những trải nghiệm tồi tệ. Việc kiểm tra này đồng thời cũng giúp bạn đưa ra được đánh giá khách quan chất lượng giữa các nhà cung cấp mà bạn đã từng lựa chọn.
Thậm chí ngay cả khi bạn nghĩ rằng bao bì nhựa của mình đã đủ tốt, khi mà bạn sử dụng bao bì từ cùng một nhà cung cấp trong nhiều năm mà sản phẩm chưa bao giờ bị hư hỏng, thì việc kiểm tra đánh giá bao bì vẫn có thể mở ra cơ hội tuyệt vời để tiết kiệm chi phí. Bạn có thể đánh giá xem liệu có thể yêu cầu nhà cung cấp hạ giá thành bằng việc giảm chất lượng bao bì xuống một chút hay không. Việc tiết kiệm nhằm cắt giảm chi phí hẳn sẽ luôn là một mục tiêu mà hầu như mọi doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất đều hướng đến.
Làm thể nào để biết được bao bì nhựa bạn đang sử dụng có tốt hay không?
Không chỉ riêng với bao bì nhựa, việc kiểm tra chất lượng của bất kỳ vật liệu hay sản phẩm nào cũng đòi hỏi quy trình phân tích có hệ thống. Bắt đầu từ chất lượng nguyên liệu thô, các công đoạn sản xuất rồi đến kiểm soát chất lượng thành phẩm. Tuy nhiên người mua bao bì thật khó để tiếp cận và kiểm tra các công đoạn sản xuất này. Việc kiểm tra xem bao bì bạn đang sử dụng có đạt chất lượng tốt hay không đa phần đều đến từ trải nghiệm trong quá trình bạn sử dụng chúng. Tuy nhiên cũng có một số phương thức giúp cho bạn có thể kiểm soát chất lượng đầu vào của bao bì nhựa tốt hơn mà chúng tôi sẽ chia sẻ sau đây.
1. Kiểm tra các giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm
Có rất nhiều tiêu chuẩn chất lượng về bao bì nhựa trên thế giới, cả về chất lượng sản phẩm lẫn về máy móc và môi trường làm việc, những tiêu chuẩn xanh về tác động với môi trường. Nổi bật nhất phải kể đến là Hiệp hội thử nghiệm và đo lường Hoa Kỳ (ASTM) và Tổ chức tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), là những tổ chức đáng tin cậy nhất trong việc thử nghiệm và đưa ra các tiêu chí đánh giá. Nhiều quốc gia cũng có các tiêu chuẩn riêng như: tiêu chuẩn JIS ở Nhật Bản, Normes Francaise ở Pháp, Deutsche Industrie Normen (DIN) ở Đức, British Standards (BS) ở Anh Quốc… Việc lựa chọn tiêu chuẩn nào để làm tiêu chí cho bao bì thường phụ thuộc vào thị trường mà doanh nghiệp của bạn hướng tới. Sản phẩm của bạn được xuất khẩu đến quốc gia nào thì sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn thử nghiệm của quốc gia đó. Thông thường đây sẽ là một trong các yêu cầu cụ thể trong đơn đặt hàng.
Đối với thị trường bao bì nhựa nội địa, chúng ta cũng có những điều luật và tiêu chuẩn riêng được quy định như: Tiêu chuẩn về bao bì thương phẩm, túi chất dẻo (TCVN 5653:1992), tiêu chuẩn về phương pháp thử độ bền nén cho bao bì vận chuyển và bao gói (TCVN 4869:1989), Hệ thống quản lý chất lượng (TCVN ISO 9000:2015), Hệ thống quản lý môi trường (TCVN ISO 14001:2015)…
Chi phí dành cho việc thử nghiệm và công tác khảo sát đánh giá để được cấp các loại giấy chứng nhận là một khoản không hề nhỏ, và trên thực tế có rất nhiều công ty nghĩ rằng họ không đủ khả năng, hoặc lợi ích thu được không đủ lớn để họ phải chi trả chi phí này. Những thử nghiệm dành cho bao bì chủ yếu được thực hiện khi chúng được xuất khẩu tới các thị trường có tiêu chuẩn rất cao, hoặc các thông số cần kiểm tra có tầm quan trọng đặc biệt đối với sản phẩm. Để được cấp giấy chứng nhận, nhà sản xuất sẽ gởi mẫu sản phẩm đến các tổ chức có chức năng kiểm định và chờ kết quả. Điều này có nghĩa là những chứng nhận này chỉ có giá trị tức thời với mẫu sản phẩm mà họ đã gởi. Không có gì đảm bảo rằng mọi lô hàng xuất xưởng của một nhà sản xuất sẽ luôn có chất lượng hoàn toàn như nhau. Vì vậy mà những kết quả thử nghiệm dù đắt đỏ nhưng lại chỉ mang ý nghĩa một cách tương đối. Tuy nhiên, việc kiểm tra đánh giá chất lượng vẫn là điều cần thiết trong rất nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với bao bì dùng trong ngành thực phẩm. Tiêu chuẩn thường được sử dụng đối với ứng dụng này là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp (QCVN 12-1:2011/BYT), Các chất được sử dụng làm thành phần cơ bản của các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm (CFR 177.1520 FDA).
2. Kiểm tra đặc tính của bao bì bằng các thiết bị thử nghiệm
Thử nghiệm cơ học đối với vật liệu đóng gói là rất quan trọng, để đảm bảo rằng chúng sẽ đáp ứng được các điều kiện môi trường thực tế, và các sản phẩm mà chúng bảo vệ sẽ đến tay người dùng cuối mà không bị hư hại. Tùy vào tính ứng dụng mà mỗi doanh nghiệp có thể cần đến những loại bao bì có đặc tính riêng biệt, ví dụ như những loại túi trùm pallet để ngoài trời sẽ cần có khả năng chống tia UV, túi tải trọng lớn sẽ cần có độ dai và bền, túi đựng dụng cụ y tế cần có khả năng chịu nhiệt độ cao hơn để thanh trùng… Những đặc tính riêng biệt trên đều sẽ có những thiết bị chuyên dụng để kiểm tra, và trên thị trường còn có sẵn những loại máy kiểm tra đa năng với khả năng đánh giá được nhiều tiêu chí.
Khi xu hướng sử dụng bao bì giấy và nhựa sử dụng một lần tiếp tục mở rộng, các loại máy kiểm tra đa năng hay chuyên dụng dù có giá thành cao nhưng vẫn là một khoản đầu tư đáng giá cho các nhà sản xuất. Họ có thể dùng nó để đánh giá các đặc tính và hiệu suất chức năng của cả bao bì, nguyên liệu thô và cả thành phẩm cuối cùng. Đặc biệt là khi các vật liệu tái chế bền vững hơn được phát triển để thay thế nhựa và giấy, thì việc có được công cụ đánh giá đầy đủ các đặc tính của chúng để so sánh với các vật liệu khác cũng là điều cần thiết.
a. Kiểm tra độ bền kéo của vật liệu.
Trong thử nghiệm, vật liệu đóng gói sẽ bị kéo căng từ từ cho đến khi bị phá vỡ để đo lực kéo tối đa mà chúng có thể chịu đựng, và cả độ giãn dài cuối cùng của vật liệu trước khi đứt. Thử nghiệm này là một thử nghiệm cơ học không quá phức tạp và thực hiện được với bất cứ vật liệu nào ở dạng tấm hoặc màng. Thử nghiệm thường được thực hiện theo cả hai hướng: hướng mà vật liệu chạy dọc ra khỏi máy sản xuất gia công được gọi là hướng máy (machine direction – MD), hướng còn lại vuông góc với hướng máy được gọi là hướng ngang (cross direction – CD). Sở dĩ phải phân biệt như vậy vì trên vật liệu có thể sẽ có độ bền kéo khác biệt theo hướng mà chúng chịu lực tác động. Các tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để kiểm tra độ bền kéo cho màng nhựa là ASTM D882 và ISO 527-3.
Ảnh: Vật liệu bị kéo căng cho đến khi đứt trong thử nghiệm độ bền kéo
b. Kiểm tra khả năng chống đâm thủng
Điều không mong muốn nhất nhưng lại thường hay xảy ra là bao bì bị rách hoặc thủng trong quá trình vận chuyển trước khi đến tay người tiêu dùng. ASTM F1306 là một tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi để kiểm tra khả năng chống thủng của các vật liệu dạng màng mỏng. Thử nghiệm được thực hiện với đầu kim loại treo phía trên được có gắn cảm biến tải trọng. Đầu kim loại này sẽ được đẩy từ từ xuống mẫu thử đã được căng ra bằng cách kẹp ở 2 đầu. Lực tác động khi vật liệu bị đâm thủng sẽ được ghi lại, và đây chính là ngưỡng khả năng chống đâm thủng của chúng. Giá trị trung bình phổ biến qua nhiều lần thử nghiệm sẽ được sử dụng để xem như một tiêu chí để kiểm tra chất lượng, hoặc dùng để so sánh với các vật liệu khác.
c. Kiểm tra độ bền xé
Tương tự như những bài kiểm tra độ bền đâm thủng hay độ bền kéo, bài kiểm tra độ bền xé này cũng là một trong những phương thức cơ bản nhất để đánh giá độ bền của vật liệu, với những thiết bị không quá phức tạp.
Khác với độ bền kéo mô phỏng lực tác động kéo giãn (thường là do tải trọng), độ bền xé thể hiện khả năng chống lại lực tác động xé rách màng (ví dụ như lớp bao bì bị vướng vào một góc cạnh và bị xé toạc). Có một số phương pháp kiểm tra khả năng chống rách, nhưng phương pháp phổ biến nhất là sử dụng một dụng cụ có tên gọi là Elmendorf, đo năng lượng cần thiết để xé rách vật liệu.
d. Kiểm tra hệ số ma sát
ASTM D1894 và ISO 8295 là các tiêu chuẩn chủ yếu được sử dụng để xác định hệ số ma sát cho màng mỏng hoặc vật liệu đóng gói bằng nhựa. Thử nghiệm được thực hiện để thiết lập cả giá trị ma sát tĩnh và động cho vật liệu khi cọ xát trên chính nó hoặc trên các vật liệu khác. Chỉ số ma sát này sẽ liên quan mật thiết đến khả năng chống bị mài mòn của vật liệu. Trong thử nghiệm, một thanh trượt có trọng lượng được kéo ngang qua và đè lên vật liệu đang được thử nghiệm để xác định hệ số ma sát. Lực ma sát chính là lực phản hồi chống lại lực kéo thanh trượt được tạo ra trên máy. Chỉ số này được chia cho trọng lượng của thanh trượt để tính hệ số ma sát của vật liệu.
e. Kiểm tra tốc độ truyền khí (Gas Permeability Tester – GTR)
Nếu bạn đưa một đưa tờ giấy lên che miệng và lấy một tay bịt lại, sau đó và thổi hơi xuyên qua chúng, bàn tay của bạn sẽ cảm nhận được luồng khí nóng thoát ra từ tờ giấy. Điều này cho thấy rằng giấy không có hoặc có rất ít khả năng ngăn không khí đi qua. Mặc dù màng nhựa nổi tiếng về khả năng chốn thẩm và kín khí nhưng thật ra chúng cũng có các đặc tính như vậy. Chỉ có điều tốc độ thẩm của màng nhựa chậm hơn rất nhiều so với giấy.
Phép thử tốc độ thấm khí đo thể tích của các loại khí khác nhau thấm vào vật liệu đóng gói, thường được dùng để kiểm tra các loại túi hút chân không, bao bì y tế hay các loại màng chuyên dụng. Bài test được thực hiện bằng cách đặt vật liệu thử nghiệm có dạng màng mỏng ngăn cách giữa giữa hai buồng khí nhỏ, mỗi buồng sẽ được tạo ra một áp suất khí khác nhau. Một buồng có áp suất cao hơn sẽ đẩy khí xuyên qua màng đi sang buồng bên kia. Thể tích khí xuyên qua lớp màng thể hiện tốc độ truyền khí của vật liệu, được xác định ở nhiệt độ và diện tích bề mặt xác định, được tính bằng cm3/cm2/phút
f. Kiểm tra tỷ lệ truyền hơi nước (Water Vapor Permeability Tester – WVTR)
Phép thử độ thẩm hơi nước về nguyên tắc tương tự như độ thấm khí, nhưng điểm khác biệt là thay vì đo thể tích, nó được đo bằng trọng lượng. Ngoài ra, các phép đo độ thẩm hơi nước được thường được đo ở trạng thái cân bằng ở nhiệt độ 38 °C và độ ẩm tương đối là 90%, đơn vị tính là gram / m2 / ngày
Sơ đồ thử nghiệm tốc độ truyền hơi nước.
g. Thử ghiệm sắc ký khí (Gas Chromatography – GC)
Thử nghiệm sắc ký là một kỹ thuật phân tích hóa học trong phòng thí nghiệm để tách một hỗn hợp trở lại các thành phần tạo nên nó. Đối với bao bì nhựa, thử nghiệm này được thực hiện để đảm bảo lượng dung môi còn lại trong nhựa không vượt quá 10 mg/ dm2 theo Quy định số 10/2011 của EU về vật liệu và các vật phẩm bằng nhựa tiếp xúc với thực phẩm.
h. Thử nghiệm thanh trùng
Thực phẩm và các dụng cụ y khoa thường được thanh trùng hoặc tiệt trùng sau khi đóng gói. Túi nhựa được sử dụng trong các ứng dụng này phải có khả năng được khử trùng mà không tạo ra các chất độc hại, không bị biến dạng và thay đổi đặc tính. Thử nghiệm thanh trùng sẽ mô phỏng điều kiện sử dụng thực tế của vật liệu để đảm bảo chúng chịu được các chu kỳ khử trùng lặp đi lặp lại (bao gồm cả khử trùng bằng hóa chất, hơi nước hoặc bức xạ gamma…).
i. Kiểm tra độ chống bám sương
Thử nghiệm này được thực hiện để xác định các đặc tính chống sương mù của vật liệu, đảm bảo sự ngưng tụ hơi nước không hình thành trên bề mặt phía bên trong của vật liệu đóng gói. Thử nghiệm này khá đơn giản, mẫu vật liệu sẽ được đặt trong tủ lạnh từ 7 – 10 °C và theo dõi trong 24 giờ.
j. Thử nghiệm đo lớp (Film Layer Analysis)
Công nghệ màng nhựa đa lớp phức tạp và được sử dụng phổ biến trong bao bì dành cho các ngành công nghiệp, y tế và thực phẩm. Màng ghép đa lớp thường bao gồm nhiều lớp vật liệu khác nhau, trong đó mỗi lớp cung cấp một đặc tính riêng như rào cản khí, độ bám dính, kháng hóa chất, chống oxy hóa… Sự kết hợp của các lớp khác nhau tạo ra một sản phẩm đa chức năng với hiệu suất vượt trội.
Thử nghiệm đo lớp này rất hữu ích để xác định độ dày, số lớp tạo nên màng ghép và xác định chính xác vật liệu tạo nên các lớp này. Thử nghiệm sẽ được thực hiện bằng kính hiển vi điện tử quét quang phổ tán sắc năng lượng (SEM-EDS) hoặc kính hiển vi quang học (OM). Mặc dù phương pháp quang phổ tán sắc năng lượng có mức độ chi tiết cao hơn nhiều, nhưng kính hiển vi quang học thì lại đặc biệt hữu ích khi thực hiện phân tích các lớp phim màu. Kính hiển vi quang học cũng thường được sử dụng làm tiền đề để xác định các khu vực trọng tâm nhất định trên mẫu vật, trước khi sử dụng kính hiển vi điện tử quét quang phổ tán sắc năng lượng để phân tích sâu hơn.
3. Những cách thức kiểm tra chất lượng túi nhựa đơn giản không cần tới thiết bị
Ngoài việc kiểm tra các chứng chỉ chất lượng mà nhà cung cấp đã đạt được, bạn vẫn có thể thực hiện một số bước kiểm tra đơn giản đối với từng lô hàng mà không cần đến các máy móc đắt tiền hay gởi chúng đến phòng thí nghiệm. Tất nhiên những mẹo kiểm tra chất lượng túi nhựa này chỉ mang tính cảm quan và tương đối, nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng chúng nếu như yêu cầu về bao bì của bạn không quá đặc biệt.
a. Kiểm tra ngoại hình bên ngoài của túi
Phơi túi dưới ánh nắng trực tiếp và kiểm tra kết cấu bề mặt, độ trong suốt của túi hay màu sắc có đồng đều hay không. Nếu trên bệ mặt túi có độ trong không đều hoặc những điểm có kết cấu, màu sắc không bình thường thì rất có thể chúng có tỷ lệ nhựa tái chế cao trong nguồn nguyên liệu.
Nhìn vào túi ở góc nghiêng phản chiếu ánh sáng để quan sát độ bóng của bề mặt nhựa. Nhựa không đảm bảo chất lượng sẽ có độ bóng không đồng nhất, thậm chí là xuất hiện các điểm gồ ghề bất thường. Độ bóng và độ mịn của bề mặt nhựa cũng có thể được kiểm tra bằng cách vuốt bàn tay lên chúng và cảm nhận.
b. Kiểm tra chất lượng vết hàn
Túi nhựa thông thường sẽ có đáy hoặc cạnh bên tạo thành từ phương pháp hàn nhiệt chứ không hoàn toàn liền khối, và đây chính là điểm yếu nhất trong kết cấu của chúng. Bạn có thể xé vết hàn nhiệt này bằng tay với một lực mạnh vừa phải, nếu chúng bền vững hoặc chỉ rách khi thân túi đã bị biến dạng nghiêm trọng thì chứng tỏ vết hàn này có chất lượng rất tốt.
Để kiểm tra một cách chính xác hơn, bạn có thể bơm khí nén vào túi để xác định các khiếm khuyết có thể xảy ra dọc theo đường hàn. Túi cũng có thể được ngâm trong nước khi bơm để mang lại kết quả thử nghiệm nhanh hơn.
c. Kiểm tra độ dẻo dai và độ bền kéo
Lấy một chiếc túi nhựa, cắt ra một dải nhựa dài nhất có thể với bề ngang khoảng 10 cm. Dùng lực và kéo dải nhựa này để xem chúng có độ dẻo dai hay không, hay dễ dàng bị phá hủy. Nhựa tốt sẽ có độ dẻo dai và linh hoạt đáng kể.
d. Kiểm tra độ dày của túi
Độ dày của túi nhựa là một yếu tố hàng đầu quyết định đến độ bền và tải trọng của chúng. Việc chọn lựa nhà sản xuất có sai số về độ dày không đáng kể sẽ vô cùng quan trọng. Các công cụ đo độ dày túi nhựa cũng không quá đắt đỏ và các bạn hoàn toàn có thể tự trang bị để phục vụ cho việc kiểm tra chất lượng bao bì. Khi đo độ dày túi nhựa cần đo nhiều điểm trên túi để kiểm tra độ đồng đều. Độ dày giữa các điểm trên túi nếu có sự chênh lệch quá lớn sẽ làm túi giảm đi tải trọng và độ bền đáng kể. Hiện tượng độ dày không đều này có nguyên nhân là máy móc sản xuất túi nhựa đã cũ hoặc không thường xuyên được bảo trì, và cũng có thể là do nguồn nguyên liệu kém chất lượng.
Độ dày của túi cũng có thể được kiểm tra bằng phương pháp cân định lượng, bằng công thức tính cân nặng của túi nhựa. Bạn có thể cân trọng lượng của 1 chiếc túi xem cân nặng của chúng có tương thích với độ dày mà bạn đã đặt mua hay không.
e. Kiểm tra tải trọng của túi
Kiểm tra tải trọng của túi nhựa là một phương pháp mô phỏng điều kiện sử dụng thực tế của chúng. Tuy phương pháp này khá tốn thời gian nhưng lại có thể giúp bạn tránh được những sự cố khi bắt đầu cho sản phẩm của bạn vào bên trong với quy mô lớn.
Một chiếc túi chắc chắn thường được sản xuất để chứa được nhiều hơn tải trọng dự kiến. Bạn hãy cho sản phẩm của bạn vào bên trong túi cộng thêm một vật phẩm khác để làm túi chứa nhiều hơn điều kiện sử dụng thực tế, sau đó nâng túi lên và hạ xuống 20 lần. Nếu túi vượt qua bài kiểm tra, bạn có thể tiếp tục treo chúng lên cao trong 4 giờ, và sau đó tiếp tục là 20 giờ. Nếu túi vẫn không bị hư hỏng sau thời gian này, thì chúng hoàn toàn có chất lượng phù hợp.
Với những sản phẩm có dạng hạt mịn như lúa, gạo, thức ăn gia súc… người ta còn thử độ bền bằng cách thả túi có chứa sản phẩm từ độ cao hơn một mét xuống mặt đất. Quy trình này cần được lặp lại ít nhất năm lần và kiểm tra xem túi có bị hư hại đáng kể hay không. Thử nghiệm thả rơi này nhằm mục đích đảm bảo sản phẩm của bạn không bị rơi vãi hoặc hư hỏng trong quá trình bốc dỡ và vận chuyển.
Việc kiểm tra tải trọng này khá nhạy cảm và nên được thực hiện khi mà bạn đã chắc chắn rằng loại túi mà bạn đặt mua hoàn toàn có khả năng vượt qua chúng. Hầu hết các nhà sản xuất bao bì nhựa chỉ cam kết về kích thước, độ dày và chất lượng nguồn nguyên liệu như người mua đã yêu cầu. Tải trọng của túi sẽ còn phụ thuộc rất nhiều về hình dáng và kích thước sản phẩm bên trong, và cũng sẽ rất khác nhau tùy vào điều kiện sử dụng. Nhà sản xuất sẽ chỉ thừa nhận sản phẩm của họ kém chất lượng khi có ít nhất một sản phẩm của nhà sản xuất khác với cùng thông số nhưng lại có chất lượng vượt trội hơn.
f. Kiểm tra vận hành
Bài kiểm tra này áp dụng cho các loại túi zipper, túi zip khóa kéo hay túi băng keo dán miệng. Vận hành tất cả các nút, khóa kéo và băng dán, đóng mở chúng lặp đi lặp lại ít nhất 30 lần. Nếu túi không còn có thể đóng mở trơn tru hoặc mất chức năng sử dụng thì chúng sẽ không vượt qua bài kiểm tra này.
g. Kiểm tra chất lượng in ấn
Trong thử nghiệm này, chúng ta chỉ cần dán một miếng băng keo lên hình in trên túi, sau đó bóc ra và kiểm tra. Băng dính vẫn trong suốt, khu vực in nơi dán băng keo không bị ảnh hưởng nghĩa là mực in có chất lượng tốt. Trường hợp xấu hơn, lớp băng keo được bóc ra sẽ kéo theo những vết mực, thậm chí là cả một mảng hình được in ấn. Rõ ràng đây là những chiếc túi được in ấn kém chất lượng, không có khả năng duy trì hình ảnh tươi mới và khả năng tiếp thị trong thời gian dài.
Chất lượng hình in ít bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật in mà thường được quyết định bởi chất lượng mực và công đoạn xử lý màng. Loại màng nhựa được sản xuất cho mục đích in ấn thường sẽ được trải qua một quá trình gọi là xử lý corona. Quá trình này có thể hiểu đơn giản là làm nhám màng nhựa để tăng khả năng bám dính mực và dung môi bằng điện tích. Chính những công đoạn như vậy khiến cho sản phẩm in ấn của một số nhà sản xuất trở nên xuất sắc hơn so với bộ phận còn lại.